Cà phê nhân xô là gì?
Để có được một tách cà phê hảo hạng thì đòi hỏi phải trải qua rất nhiều quá trình. Trong đó, khâu đầu tiên sau khi loại bỏ vỏ là xử lý, sàng lọc cà phê nhân xô. Đây là bước vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thành phẩm cung cấp ra thị trường. Vậy cà phê nhân xô là gì?
Cà phê nhân xô là gì?
Cà phê nhân xô là hạt cà phê sống, chỉ mới bóc vỏ và chưa qua quá trình sàng lọc, xử lý, rang xay cafe. Để có được cà phê nhân xô thì người ta sẽ đem phơi khô quả tươi sau khi thu hoạch về rồi bóc vỏ. Tiếp đó là đến quá trình xử lý như: sàng lọc, đánh bóng, rang xay,….Thông thường, một quả cà phê chín sẽ có 2 hạt nhân nhưng thỉnh thoảng cũng có những quả đột biến, chỉ gồm 1 nhân. Cà phê nhân xô hay cà phê nhân còn được gọi là cà phê xanh, cà phê sống.
Phân loại cà phê nhân xô
Cà phê nhân được phân loại theo hai dạng: Một là dựa vào chủng giống; Hai là dựa vào kích cỡ. Cụ thể:
1. Về dòng giống
Nếu phân loại dựa vào chủng giống thì cà phê nhân xô gồm có dòng Arabica và Robusta.
- Cà phê Arabica (hay còn gọi là cà phê chè): Loại cà phê này chỉ được trồng ở những vùng có độ cao trên 1.000 mét, rất ít phổ biến ở Việt Nam. Cà phê chè gồm có 5 chủng phổ biến, gồm: Moka, Typica, Caturra, Bourbon và Catimor.
- Cà phê Robusta: Thích hợp trồng ở vùng đồi núi thấp vì có khả năng chịu nhiệt tốt hơn Arabica. Đây là loại cà phê phổ biến nhất ở nước ta.
Ngoài ra còn có một loại cà phê đặc biệt đột biến từ hai dòng cà phê trên, được gọi là cà phê Culi (Culi Arabica và Culi Robusta). Nếu như những quả cà phê thông thường đều có 2 nhân thì cà phê Culi chỉ bao gồm 1 nhân và có hương vị đậm đà hơn so với dòng cà phê gốc. Mỗi vụ thu hoạch, cà phê Culi chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng.
2. Về kích cỡ
Xét về kích cỡ, cà phê nhân xô được chia làm 3 cỡ sàng, bao gồm:
- Cà phê nhân sàng 16, sàng 18, sàng 19 và sàng 20: Là những hạt cà phê chất lượng cao. Cà phê nhân sàng 16 và 18 là loại phổ biến nhất để làm cà phê hạt rang.
- Cà phê nhân sàng 14 và sàng 15: Hạt cà phê sàng 14, 15 có kích cỡ nhỏ hơn, thường được dùng làm nguyên liệu trộn để giảm giá thành.
- Cà phê nhân sàng 13: Thường được dùng để làm cà phê hòa tan.
Đặc điểm cà phê nhân xô
Cà phê nhân xô có thể được bảo quản trong thời gian lâu trước khi chế biến mà không hề mất đi mùi vị vì có độ ẩm khá thấp (khoảng 12% - 13%). Mỗi loại cà phê nhân xô khác nhau sẽ mang những đặc điểm riêng biệt, chẳng hạn như:
- Cà phê Arabica: Có vị hơi chua và mùi thơm nồng nàn. Thành phần cafein có trong cà phê nhân Arabica cũng tương đối thấp nên ít đắng.
- Cà phê Robusta: Cà phê Robusta lúc chưa rang có mùi giống với đậu phộng tươi. Vì cà phê Robusta có lượng cafein khá cao nên có vị đắng hơn so với Arabica. Hạt cà phê nhân xô Robusta mềm và dễ vỡ hơn so với hạt cà phê nhân xô Arabica.
- Cà phê Culi: Nhóm cà phê Culi chứa hàm lượng cafein cao hơn so với chủng loại gốc nên có hương vị đậm đà hơn và độ đắng cũng cao hơn.
Hi vọng sau khi tham khảo những chia sẻ trên của đội ngũ biên tập viên 24h Quảng Cáo, các bạn đã biết cà phê nhân xô là gì là có đặc điểm như thế nào. Từ đó, hiểu rõ hơn về loại nông sản có sản lượng xuất khẩu hàng đầu của nước ta.