Những kiểu nhà tuyển dụng khiến ứng viên ngán ngẩm
Mặc dù trên danh nghĩa là người xin việc nhưng các ứng viên cũng có quyền lựa chọn cho riêng mình, chứ không phải chỉ có nhà tuyển dụng (NTD) mới có quyền quyết định. Thế nhưng, nhiều công ty, doanh nghiệp luôn cho rằng mình là người có vị trí cao hơn nên đôi khi có những thái độ chưa tốt, thiếu tôn trọng tới ứng viên khi phỏng vấn. Điều này không chỉ làm mất hình ảnh của doanh nghiệp mà còn khiến các ứng viên cảm thấy bị dị ứng. Dưới đây là 03 trong số những kiểu nhà tuyển dụng khiến ứng viên ngám ngẩm nhất.
Những kiểu nhà tuyển dụng luôn khiến các ứng viên cảm thấy ngán ngẩm và bị dị ứng khi đi xin việc
► 1. Nhà tuyển dụng trễ lịch hẹn phỏng vấn
Đối với ứng viên, họ thường đến địa điểm phỏng vấn trước thời gian hẹn khoảng 10 - 20 hoặc thậm chí là 30 phút để phòng tránh một số trường hợp rủi ro không may khi đi đường, đồng thời họ cũng không muốn bị điểm trừ trong mắt NTD ở ngay lần gặp đầu tiên. Nhưng sự trễ giờ hẹn của doanh nghiệp lại ít được ai nhắc đến, đơn giản họ nghĩ việc này sẽ không xảy ra khi mà doanh nghiệp là phía đặt ra lịch hẹn phỏng vấn. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít ứng viên bị rơi vào tình cảnh phải ngồi chờ để được phỏng vấn khi mà thời gian phỏng vấn theo như lịch hẹn đã qua rất lâu. Bên cạnh đó họ cũng không nhận được một lời xin lỗi hay giải thích thỏa đáng. Đa phần các ứng viên đều cảm thấy không hài lòng với việc này nhưng lại không tiện để bày tỏ thái độ trực tiếp. Doanh nghiệp áp dụng giờ giây thun là một trong những kiểu nhà tuyển dụng khiến ứng viên ngán ngẩm và dị ứng. Đây còn là điểm trừ không nhỏ khiến uy tín của doanh nghiệp đi xuống trong mắt những người đi tìm việc.
► 2. Đăng tin tuyển dụng vị trí này nhưng phỏng vấn cho vị trí khác
Hiện tượng NTD đăng tin tuyển dụng cho một vị trí nhưng lại phỏng vấn cho một vị trí khác vẫn thường xảy ra ở một số doanh nghiệp. Nguyên nhân thường thấy là do doanh nghiệp đã tuyển được vị trí cần tuyển rồi nhưng vẫn tiếp tục cho phỏng vấn để tìm nhân viên lấp vào chỗ trống còn thiếu khác. Vì thế đã có không ít ứng viên cảm thấy đã đáp ứng đủ các yêu cầu trên tin tuyển dụng nhưng khi bước vào phỏng vấn lại được yêu cầu thêm các kỹ năng, kinh nghiệm khác, bên cạnh đó mức lương trả cho công việc đang phỏng vấn hiện tại cũng không được như mong muốn. Điều này không chỉ gây tốn thời gian mà còn để lại ấn tượng không tốt trong mắt ứng viên, làm giảm sự uy tín của doanh nghiệp và nghiễm nhiên trở thành một trong những kiểu nhà tuyển dụng khiến ứng viên ngán ngẩm khi đi xin việc.
► 3. Nhà tuyển dụng không hồi âm sau khi phỏng vấn
Sau khi kết thúc phỏng vấn, nhiều NTD thường không đưa ra quyết định ngay tại chỗ mà chỉ hứa với ứng viên sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Nhưng trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp phản hồi cho những ứng viên không đạt yêu cầu, họ chỉ im lặng không phải hồi và để ứng viên tự nhận thức sau một khoảng thời gian nhất định. Thay vào đó, họ chỉ liên hệ tới những ứng viên đủ tiêu chuẩn để đảm nhận vị trí mà họ đang tuyển dụng. Việc làm này gây tốn thời gian chờ đợi và hy vọng của ứng viên, đồng thời cũng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm của nhà tuyển dụng đối với những ứng viên đã dành thời gian để tham gia phỏng vấn.
Nếu bạn là NTD, hãy thể hiện cho các ứng viên thấy doanh nghiệp của mình làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm, không giống với những kiểu nhà tuyển dụng khiến ứng viên cảm thấy bị dị ứng nêu trên để nhận được những lời nhận xét tốt từ ứng viên, dù đó có là người không đạt yêu cầu trong lần phỏng vấn tại doanh nghiệp của bạn. Chúc bạn sớm được nhân tài cho doanh nghiệp của mình!